Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ sáu, 10/05/2024 08:09


       

Người Điều dưỡng với nụ cười hiền hậu và sự chăm sóc tận tâm, luôn yêu thương, chăm sóc người bệnh như chính người thân của mình cũng là những người luôn song hành với Bác sĩ trên mọi chặng đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

       Điều dưỡng cũng chính là người gắn bó với người bệnh nhiều nhất, qua đó nắm bắt được sự chuyển biến về sức khỏe, hơn nữa là tâm tư, nguyện vọng của người bệnh… góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc, điều trị thành công cho người bệnh.

       Có thể nói điều dưỡng giữ vai trò rất quan trọng, không thể thiếu tại các cơ sở y tế, đặc biệt trong việc mang lại sự hài lòng cho người bệnh…

“Điều dưỡng là một mắc xích quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe. Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ do người điều dưỡng – hộ sinh cung cấp có tác động lớn tới sự hài lòng của người bệnh” – Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

       Luôn song hành với bác sĩ trên mọi nẻo đường, Người Điều Dưỡng và kỹ thuật viên với nụ cười dịu dàng và sự chăm sóc tận tâm, luôn Yêu Thương, Chăm Sóc người bệnh như chính người thân của mình.

       Lịch sử ra đời ngày Quốc tế Điều dưỡng

       Người khai sinh ra ngành Điều dưỡng là bà Florence Nightingale (1820 – 1910). Sinh ra trong một gia đình người Anh quyền quý, nề nếp, khi 20 tuổi, Florence đã chọn con đường chăm sóc BN. Tuy nhiên, mỗi khi ngỏ ý với cha mẹ, Florence lại gặp sự phản đối quyết liệt vì nghề chăm sóc BN tại thời điểm đó bị xã hội coi thường, không một gia đình danh giá nào chịu cho con theo nghề này. Cha mẹ Florence rất thất vọng vì cô con gái xinh đẹp và có học của họ lại không chọn cho mình một nghề cao quý, xứng với truyền thống gia đình mà lại muốn làm nghề điều dưỡng, một nghề được coi là thấp hèn.

       Từ năm 1854 – 1856, chiến tranh xảy ra giữa nước Nga với các nước Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ. Bị quân đội Nga chống cự kịch liệt, gần 5.000 binh sĩ Anh bị thương, tử trận hoặc chết vì nhiễm trùng trong bệnh viện (BV). Thêm vào đó, dịch tả bùng phát trong quân đội Anh, hàng nghìn lính Anh được đưa vào BV Barack, một BV dã chiến của quân đội Anh ở Scutari. Những người lính Anh lâm vào tình cảnh bị thương không có người chăm sóc, BV dã chiến hỗn độn, vô tổ chức và thiếu thốn mọi thứ. Báo chí từ mặt trận gửi về làm chấn động dư luận nước Anh nên chính quyền Anh đã mời Florence giúp đỡ. Florence đã tuyển 38 phụ nữ tình nguyện cùng cô ra mặt trận. Cô được giao nhiệm vụ toàn quyền chỉ huy các nữ điều dưỡng ở BV dã chiến. Trong đêm tối, Florence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh từ mặt trận chuyển về. Vì thế, các thương binh đã đặt cho cô danh hiệu “Nữ công tước với cây đèn”. Florence đã cứu được hàng nghìn mạng sống của thương bệnh binh và được mọi người yêu mến gọi là “Thiên thần trong BV”.

       Sau chiến tranh, khi không còn khả năng làm việc, Florence được nhân dân và các chiến sĩ Anh tặng số tiền 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khỏe. Florence đã dùng số tiền có được để vận động thành lập trường đào tạo điều dưỡng đầu tiên trên thế giới tại BV Saint Thomas ở London khi bà bước vào tuổi 40. Sau này, BV Saint Thomas trở thành chiếc nôi để bà Florence nuôi dưỡng, truyền thụ mọi kỹ năng và niềm say mê cho những ai muốn trở thành điều dưỡng.

       Ngày 12/5/1965 Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng đã tổ chức họp và quyết định lấy ngày 12 tháng 5 hàng năm, ngày sinh của bà Florence Nightingale làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng để tôn vinh, tưởng nhớ công lao và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà bà đã xây dựng.

       Biểu tượng Ngành Điều dưỡng Quốc tế

       Hình ảnh Florence cầm theo cây đèn trong đêm tối đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh từ mặt trận chuyển về. Đó là một hình ảnh đẹp của những năm tháng chiến tranh được ghi dấu trong lòng mọi người. Các thương bệnh đã tặng cho bà danh hiệu “Nữ công tước với cây đèn”. Hiếm có một người phụ nữ nào trong lịch sử được quân đội và nhân dân nước Anh yêu quý như Florence Nightingale. Với tấm lòng tận tụy, hết mình, thầm lặng và yêu thương con người của bà trở thành biểu tượng, tôn chỉ của ngành điều dưỡng. Từ đó, hình ảnh cây đèn trở thành biểu tượng của ngành điều dưỡng thế giới.

       Nhân ngày Quốc tế điều dưỡng, kính chúc Quý anh/ chị điều dưỡng mạnh khỏe, giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề, tích cực định hướng cho các thế hệ điều dưỡng tương lai và cùng chung sức khẳng định ngành điều dưỡng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vươn xa.

Tin liên quan