Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ năm, 25/04/2024 16:08


Việt Nam có gần 11.000 trạm y tế xã, trong số đó hơn 1 nửa số trạm phải nâng cấp, sửa chữa và thiếu thốn cơ sở vật chất. Để góp phần giải quyết thực trạng này, mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức khởi động và ký kết thỏa thuận triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở cho 13 tỉnh với trị giá 126 triệu USD.

Việc triển khai dự án này sẽ được thực hiện như thế nào và mang lại những kỳ vọng đổi thay gì cho y tế cơ sở? Phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống đã trao đổi với PGS.TS Phan Lê Thu Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế, Giám đốc dự án.

Y tế cơ sở còn tồn tại khá nhiều vấn đề bất cập...

PV: Theo Bà, thực trạng của trạm y tế xã so với yêu cầu mong muốn của việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo mô hình mới hiện nay như thế nào?

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế, Giám đốc dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Quá trình chuyển đổi việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu (CSSKBĐ) từ mô hình truyền thống sang mô hình mới (với nguyên tắc đảm bảo chăm sóc sức khỏe lồng ghép, liên tục suốt vòng đời, lấy người dân làm trung tâm và dựa trên nguyên lý y học gia đình) đòi hỏi yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, chất lượng nhân lực y tế cũng như sự linh hoạt hơn của mô thức quản trị.

Nhìn chung, thực trạng hiện nay của mạng lưới các trạm y tế (TYT) xã, dù đã được quan tâm đầu tư hơn trong thời gian gần đây, vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề bất cập gây cản trở quá trình cung ứng dịch vụ CSSKBĐ có chất lượng cho người dân.

Về hạ tầng kỹ thuật: rất nhiều TYT xã hiện đã qua nhiều năm sử dụng và đang trong tình trạng xuống cấp, bên cạnh đó tình trạng thiếu trang thiết bị y tế cơ bản và thuốc thiết yếu trong danh mục theo phân tuyến kỹ thuật tồn tại khá phổ biến.

Về nhân lực y tế: chất lượng nhân lực y tế của các TYT xã còn thấp, hầu hết chưa được đào tạo một cách hệ thống về cung ứng dịch vụ CSSKBĐ dựa trên nguyên lý y học gia đình.

Về quản trị hệ thống: việc điều phối linh hoạt các nguồn lực dành cho y tế trên địa bàn huyện chưa được thực hiện một cách hiệu quả, việc tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin viễn thông hỗ trợ công tác cung ứng dịch vụ CSSKBĐ còn tương đối hạn chế.

Làm gì để nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế cơ sở?

PV: Vậy, Dự án có kế hoạch nâng cao năng lực các TYT xã như thế nào để đáp ứng đòi hỏi công tác CSSKBĐ trong tình hình mới, thưa Bà?

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Nhằm hỗ trợ các địa phương trong quá trình đổi mới hệ thống y tế cơ sở, Dự án Đầu tư Xây dựng và Phát triển Hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở sẽ cung cấp sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cần thiết, tập trung vào những vấn đề cốt lõi mang tính ưu tiên hàng đầu trong quá trình đổi mới hệ thống y tế cơ sở

Dự án được thiết kế dựa trên khung lý thuyết thay đổi, bao gồm một tập hợp các can thiệp được lựa chọn có tính tương hỗ cao hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế cơ sở tại 13 tỉnh Dự án.

Thứ nhất, Dự án sẽ hỗ trợ việc cải thiện nền tảng cơ sở vật chất nói chung của hệ thống y tế cơ sở các tỉnh Dự án thông qua việc đầu tư xây mới, sửa chữa nâng cấp cũng như cung cấp trang thiết bị cơ bản cho các TYT xã và Trung tâm y tế huyện.

 

Trạm y tế xã Định Cư- huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình xuống cấp nghiêm trọng  (ảnh chụp ngày 15/9/2020)

Thứ hai, Dự án sẽ hỗ trợ, mang tính đặc hiệu cao hơn, nhằm nâng cao năng lực quản lý các vấn đề sức khỏe ưu tiên (bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, lao và các bệnh phổi) thông qua cung cấp trang thiêt bị cần thiết cho việc quản lý các vấn đề sức khỏe ưu tiên, đào tạo nhân lực y tế và  thiết kế và vận hành hệ thống quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKBĐ.

Thứ ba, Dự án sẽ hỗ trợ việc kiến tạo môi trường chính sách thuận lợi cho quá trình đổi mới hệ thống y tế cơ sở

Tăng tính chủ động của địa phương nhưng đòi hỏi yêu cầu cao về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình

PV: Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, để những mục tiêu đạt được hiệu quả như mong muốn, với vai trò là giám đốc Dự án, bà có những lưu ý gì với các địa phương?

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Trước hết, theo tôi, chúng ta cần quan tâm tới những xu hướng mới liên quan tới công tác CSSKBĐ, bao gồm, Trung tâm y tế huyện quản lý toàn bộ hệ thống y tế trên địa bàn, điều phối linh hoạt và sử dụng có hiệu quả toàn bộ các nguồn lực y tế (nhân lực, vật lực và tài lực) trên địa bàn nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho người dân trên địa bàn huyện, bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại tuyến huyện cũng như các dịch vụ CSSKBĐ tại các TYT xã.

TYT xã là điểm cung ứng các dịch vụ CSSKBĐ (khám chữa bệnh thông thường, dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ, quản lý các bệnh không lây nhiễm…) dựa trên nguyên lý y học gia đình (chăm sóc phối hợp, chăm sóc toàn diện, chăm sóc liên tục, hướng cộng đồng, hướng gia đình, và hướng dự phòng), là tấm lá chắn đầu tiên (người gác cổng) của toàn bộ hệ thống y tế.

Bên cạnh đó, tôi cũng nhấn mạnh các địa phương về vai trò của nhóm nhân lực y tế  thực hiện đầy đủ chức năng cung ứng toàn bộ các dịch vụ CSSKBĐ theo nguyên lý y học gia đình tại TYT xã thay cho vai trò cá nhân bác sỹ gia đình.

Nhóm nhân lực này không chỉ bao gồm những nhân viên cơ hữu tại TYT xã mà bao gồm cả những nhân viên y tế tuyến trên (làm việc luân phiên tại TYT xã, khám chữa bệnh định kỳ tại TYT xã hay hỗ trợ từ xa cho TYT xã). Cách tiếp cận chú trọng chức năng cung ứng dịch dịch vụ hơn cá thể hóa nhân lực y tế sẽ đòi hỏi yêu cầu cao hơn về điều phối nhân lực y tế trên địa bàn.

Đồng thời các địa phương cũng cần nâng cao chất lượng quản trị y tế cơ sở, đặc biệt là vai trò của Sở Y tế và Trung tâm y tế huyện trong việc điều phối các nguồn lực (nhân lực, vật lực và tài lực) cho việc cung ứng các dịch vụ CSSKBĐ tại TYT xã.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng kiểm tra thực trạng của trạm y tế xã Định Cư- huyện Lạc Sơn- tỉnh Hòa Bình. Đây là một trong những trạm y tế sẽ được đầu tư xây mới

Tiếp đến, tăng cường mối liên kết chặt chẽ và lâu dài giữa người dân với hệ thống cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản thông qua hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, đóng vai trò như bộ nhớ của hệ thống y tế (được lưu giữ lâu dài và cập nhận thường xuyên) về sức khỏe của từng cá nhân.

Về mô thức quản trị Dự án, Dự án áp dụng phương thức quản trị phi tập trung hóa, theo đó các tỉnh tham gia Dự án được trao quyền tự chủ ở mức độ rất cao, theo đó các tỉnh sẽ đóng vai trò Chủ Dự án tại địa phương, trực tiếp triển khai thực hiện hầu hết các hoạt động Dự án, bao gồm cả những hoạt động đầu tư lớn (như nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị y tế…).

Tôi cho rằng, mô thức quản trị Dự án mới này, bên cạnh những lợi ích mang lại từ việc tăng cường tính chủ động sáng tạo và khả năng thích ứng linh hoạt của các địa phương, cũng đòi hỏi những yêu cầu cao hơn về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng như các biện pháp quản trị rủi ro.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Phan Lê Thu Hằng!

 

Tại hội nghị triển khai thực hiện dự án này, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Y tế cơ sở như nền tảng, bàn đạp của ngành y tế từ đó xây dựng lên những công trình “kiến trúc thượng tầng”, trên thực tế công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở nước ta trong thời gian qua cho thấy y tế cơ sở đã phát huy hiệu quả.

Quan điểm là làm sao để phục vụ nhân dân nhanh nhất, gần nhất, do đó trong các chính sách của Đảng , Nhà nước... đều khẳng định tầm quan trọng của y tế cơ sở và nhất quán quan điểm về vai trò chức năng của y tế cơ sở .

Trong thời gian qua chúng ta đã dành nhiều quan tâm đến y tế cơ sở, tuy nhiên để nâng cao vai trò của y tế cơ sở cũng cần phải quan tâm hơn bởi theo Quyền Bộ trưởng hiện vẫn còn nhiều mục tiêu về phát triển y tế cơ sở chưa thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra... Do đó, chúng ta phải cùng nhau phấn đấu để hoàn thành mục tiêu chăm sóc sức khoẻ, để người dân ngày càng được chăm sóc sức khoẻ tại cơ sở tốt hơn.

Theo Suckhoedoisong.vn

Tin liên quan