Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ sáu, 19/04/2024 19:20


Với Đề án Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa sẽ mang lại nhiều lợi ích "kép" cho người bệnh và nhân viên y tế.

Bệnh viện Chợ Rẫy kết nối trực tuyến với 300 điểm cầu

Ngày 23/9, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã tổ chức Lễ khai trương Trung tâm Hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Phát biểu tại buổi lễ, Thầy thuốc ưu tú, BS.CK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, mỗi ngày BV Chợ Rẫy khám và điều trị cho gần 10 ngàn lượt bệnh nhân nội trú và ngoại trú, đặc biệt trong đó có rất nhiều bệnh nhân nặng được chuyển từ các tuyến. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020 có hơn 26.500 bệnh nhân từ các tỉnh thành được chuyển đến Khoa Cấp cứu của BV Chợ Rẫy. Bên cạnh nguy cơ mất an toàn do bệnh lý trong quá trình vận chuyển người bệnh còn có thể đối diện với rất nhiều khó khăn và tốn kém.

Là bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, ngoài chức năng điều trị và hỗ trợ điều trị cho các tỉnh thành phía Nam, BV Chợ Rẫy thường xuyên kích hoạt các chương trình báo động đỏ và quy trình vàng nhằm hỗ trợ các đơn vị bạn cũng như các bệnh viện tuyến địa phương hội chẩn từ xa. Với ý nghĩa đó, để hiện thực hoá chỉ đạo triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế, BV Chợ Rẫy đã phối hợp cùng Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel đưa vào hoạt động Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa BV Chợ Rẫy. Với công nghệ dẫn truyền hiện đại, hệ thống này là một trong những giải pháp tối ưu không chỉ lưu trữ và bảo mật các thông tin cá nhân của người bệnh mà còn giúp các bác sĩ có thể hội chẩn và đưa ra hướng điều trị ngay trên hệ thống.

Bác sĩ nhiều chuyên khoa hội chẩn từ xa cùng Trung tâm y tế quân dân y huyện Côn Đảo

BS.CK2 Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh: “Với sự tham gia của hơn 300 điểm cầu nối trực tuyến, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại BV Chợ Rẫy không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như kịp thời được xử lý trong tình huống khẩn cấp, an toàn hiệu quả ngay ở tuyến dưới, tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị… mà còn góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh viện tuyến địa phương, gia tăng cơ hội cho người bệnh ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các kỹ thuật, phương pháp hiện đại trong chẩn đoán và điều trị”.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, TS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho hay, trong thời gian qua ngành y tế trên cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số, như: Bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đẩy mạnh họp trực tuyến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phòng chống COVID-10, đặc biệt hướng đến tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho người bệnh Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Với đề án này, đội ngũ y tế trong cả nước từ thành phố đến vùng sâu vùng xa sẽ được nâng cao hơn nửa năng lực chuyên môn, mang các dịch vụ kỹ thuật y tế cao đến với các vùng sâu vùng xa, người bệnh được sử dụng những kỹ thuật y tế cao ngay tại tuyến dứoi với chuyên môn từ các bệnh viện tuyến cuối mà không cần phải chuyền viện.  Với những lợi ích thiết thực này chỉ sau 3 tháng phát động, ngành y tế đã thực hiện kết nối được 1.045 điểm cầu trên cả nước, các bệnh viện tuyến trung ương được kết nối với các điểm cầu là các bệnh viện tuyến địa phương một cách dễ dàng, nhiều ca bệnh khó đã được thực hiện hội chẩn có phương pháp điều trị kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đạt được của giai đoạn đầu thực hiện đề án, TS Cao Hưng Thái đề nghị BV Chợ Rẫy nói riêng và các BV tuyến trung ương nói chung trong thời gian tới không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa mà dần phát triển các hình thức khác như: thực hiện khám, chữa bệnh từ xa cho người bệnh, đào tạo năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến dưới theo hình thức từ xa…

 

Triển vọng khẳng định tầm vóc ngành y tế Việt Nam

Thiếu ta Lê Đức Tuyến - Giám đốc Viettel TP.HCM cho biết, đơn vị cam kết hỗ trợ BV Chợ Rẫy và các bệnh viện tuyến dưới thực hiện tốt việc hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa. Đối với các nền tảng công nghệ, cho đến nay đều do các kỹ thuật viên trong nước thực hiện do đó sẽ chủ động điều chỉnh được và việc điều chỉnh sẽ theo từng giai đoạn. Bên cạnh phát triển hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa giữa các bệnh viện trong nước, ứng dụng Telehealth có triển vọng triển khai đến các nước bạn trong khu vực, bên cạnh hỗ trợ ngành y tế nước bạn, việc đưa ứng dụng này “vượt biên” cũng khẳng định tầm vóc của ngành y tế Việt Nam.

Xuyên trưa hội chẩn từ xa cho 3 ca bệnh đặc biệt

Cũng trong ngày 23/9, Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa BV Chợ Rẫy đã phối hợp hội chẩn cho 3 bệnh nhân tại 3 điểm cầu gồm Trung tâm y tế quân dân y huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), BV Đa khoa Cà Mau, và BV Đa khoa Bình Định.

BS Kiều Ngọc Dũng - Phó Khoa Điều trị Rối loạn nhịp, BV Chợ Rẫy kiểm tra các thông số trên điện tâm đồ của bệnh nhân

Từ điểm cầu Trung tâm y tế quân dân y huyện Côn Đảo, bệnh nhân nam T.K.B. (91 tuổi, nặng 45 kg), cách nhập viện khoảng 2 năm, bệnh nhân thường bị rối loạn tiêu hoá kèm theo đau bụng vùng chậu. Bệnh nhân đi khám được nội soi phát hiện ở đại tràng có khối nhỏ kích thước 1,5 cm. Khoảng 3 tháng nay, bệnh nhân thường xuyên bị táo bón, bệnh nhân ăn uống kém, sụt cân nhiều, thể trạng ngày một yếu đi mọi sinh hoạt cá nhân phải hoàn toàn phụ thuộc vào người khác.

Giám đốc Trung tâm y tế quân dân y huyện Côn Đảo cho biết, tại đơn vị vẫn còn nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, do đó bệnh nhân được tư vấn lên tuyến trên khám và điều trị nhưng do bệnh nhân tuổi cao, thể trạng yếu và gia đình không có điều kiện chăm sóc trong trường hợp chuyển tuyến. Trước đó, con gái của bệnh nhân tử vong do suy tim bẩm sinh, bản thân bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền: tăng huyết áp, suy tim độ III, viêm phế quản mạn, viêm dạ dày, lao phổi 10 năm đã được điều trị. Bệnh nhân có thói quen ăn uống không điều độ, ăn ít rau xanh. Với thể trạng bệnh nhân tuổi cao, yếu, bệnh nhân có tắc ruột thì nên điều trị như thế nào?

Tại điểm cầu BV Chợ Rẫy, các bác sĩ từ các chuyên khoa: Ung bướu, Tim mạch can thiệp, Chẩn đoán hình ảnh, Hô hấp, Trung tâm ung bướu, Nội tim mạch, Dinh dưỡng, Điều trị giảm nhẹ đã trực tiếp hội chẩn, đưa ra các phương án để hỗ trợ điều trị cho người bệnh. BS.CK2 Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy kết luận: Đối với trường hợp này, bệnh nhân có tiền căn mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp cần phải duy trì điều trị bằng thuốc; u đại tràng có tắc ruột cần mở đại tràng; tình trạng suy dinh dưỡng cần đièu trị dinh dưỡng nâng cao thể trạng, hỗ trợ thuốc giảm đau. Đặc biệt, bệnh nhân có khối u đại tràng, và tổn thương phổi nghi ngờ áp xe hoặc lao tái phát, hướng tốt nhất là cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để xác định rõ bản chất khối u và tổn thương ở phổi để có phương án điều trị đúng.

Hội chẩn từ xa giúp người bệnh được hỗ trợ điều trị từ các bác sĩ tuyến cuối mà không cần phải chuyển viện

Tại điểm cầu BV Đa khoa Cà Mau, bệnh nhân T.V.H. (65 tuổi) nhập viện trong tình trạng khó thở, tay chân lạnh vã mồ hôi. Trước nhập viện 3 giờ, bệnh nhân đau ngực sau xương ức, vã mồ hôi, khó thở tăng dần. 2 năm trước bệnh nhân từng bị xuất huyết não. Từ các kết quả chụp chiếu, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thành dứoi thất phải giờ thứ 3 có biến chứng, xuất huyết não cũ. Để hỗ trợ cho BV Đa Khoa cà Mau, các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp, và Khoa Chẩn đoán hình ảnh, đã cùng trao đổi về tình trạng của bệnh nhân, đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh. Tương tự, một trường hợp người bệnh cao tuổi có các bệnh lý nền phức tạp gặp nhiều khó khăn trong trường hợp chuyển tuyến tại BV Đa khoa Bình Định cũng đã được hội chẩn từ xa, hướng dẫn phương án điều trị.

Theo Suckhoedoisong.vn

Tin liên quan