Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ năm, 18/04/2024 08:12


Những căn bệnh do môi trường, lối sống ngày càng gia tăng trầm trọng và có xu hướng trẻ hóa... Trong khi đó, công tác phòng chống, quản lý, điều trị tuy có nhiều tiến bộ, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Điểm sáng về quản lý bệnh không lây nhiễm

Sáng 11/9, bà Lữ Thị Tuyết (52 tuổi, ở bản Xẹt 2, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) lên Trạm y tế xã (TYT) để khám theo lịch hẹn. Bà Tuyết mắc bệnh cao huyết áp đã lâu, cứ 30 ngày lại xuống TYT để khám, kiểm tra tình hình sức khỏe, nhận thuốc ebitac 125mg uống.Trưởng TYT - y sĩ Sầm Thị Thanh tiếp tục cấp thuốc điều trị huyết áp cho bà Tuyết và ghi tất cả các thông số vào hồ sơ bệnh án ngoại trú.

Kiểm tra huyết áp định kỳ cho người dân tại trạm y tế xã.

Kiểm tra huyết áp định kỳ cho người dân tại trạm y tế xã.

 

Ở TYT Châu Thắng, mỗi bệnh nhân huyết áp đều có 1 hồ sơ riêng như vậy. Hồ sơ được lập theo từng năm, ghi đầy đủ thông tin, tiền sử bệnh, chỉ định điều trị, thuốc đã cấp của bệnh nhân. Trên hệ thống phần mềm, bệnh nhân còn có hồ sơ điện tử được cập nhật tương tự. Với hồ sơ điện tử được nối mạng theo hệ thống, cán bộ y tế ở huyện, tỉnh cũng có thể biết được tình trạng của người bệnh.

 

Bà Lữ Thị Tuyết kể: “Những năm trước đây, việc điều trị bệnh của bản thân gặp khó khăn khi hàng tuần đều phải vượt hơn 10km lên Trung tâm Y tế (TTYT) huyện khám, nhận thuốc. Từ năm 2019 trở lại đây, việc điều trị cho bệnh nhân được đưa về trạm nên việc khám, nhận thuốc thuận lợi hơn, không phải đi xa; chỉ 5-6 tháng mới phải lên huyện khám, xét nghiệm, đánh giá một lần”.

TYT Châu Thắng hiện đang điều trị ngoại trú, quản lý bệnh án cho 40/141 bệnh nhân mắc huyết áp ở xã. 101 người còn lại đang điều trị tại TTYT  huyện và các đơn vị cao hơn hoặc bệnh đã ổn định, ít đến khám. Bây giờ, khi có bệnh nhân mắc huyết áp đến khám tại trạm thì đều được lập hồ sơ bệnh án, điều trị ngoại trú ngay tại chỗ, không còn phải đi xa. Những người huyết áp quá cao, quá thấp thì mới chuyển lên tuyến trên điều trị khẩn cấp, hết liệu trình, ổn định lại chuyển về trạm. Dự kiến thời gian tới, số bệnh nhân mắc huyết áp mà trạm quản lý, điều trị sẽ tăng lên.

Ở huyện Quỳ Châu, không chỉ TYT Châu Thắng mà 12/12 TYT đều đang thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị cho bệnh nhân huyết áp. BS. Lô Thanh Quý - Phó Giám đốc TTYT huyện Quỳ Châu chia sẻ: Việc quản lý, điều trị bệnh nhân mắc huyết áp ngay tại TYT xuất phát từ sự nhìn nhận quá trình đi lại của người bệnh quá vất vả, tốn kém trong điều kiện đường giao thông khu vực miền núi không thuận lợi. Sau khi nghiên cứu các thông tư, nghị định, hướng dẫn của Bộ Y tế, BHXH, UBND tỉnh, Sở Y tế, BHXH Nghệ An, TTYT huyện đã chủ động đưa việc quản lý, điều trị cho những bệnh nhân mắc huyết áp về điều trị tại TYT.

Từ cuối năm 2018, Trung tâm đã tiến hành tập huấn chuyên môn cho cán bộ TYT; chuyển dần số bệnh nhân về trạm. Hiện nay, mỗi trạm đều đang quản lý, điều trị cho từ 40-70 bệnh nhân. Riêng Trung tâm đang điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân khác và tiếp tục chuyển dần số bệnh nhân ổn định về TYT. Tất cả các bệnh nhân đang được quản lý, điều trị ở TYT đều được BHYT chi trả 100%.

Nâng cao nhận thức phòng bệnh cho người dân

Tại Nghệ An, thống kê năm 2017 cho thấy số người mắc bệnh không lây nhiễm là 102.759 người, trong đó, số trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm là 4.860 người (có 6 bệnh được đưa vào thống kê là tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ung thư và tâm thần). Trong đó, bệnh tăng huyết áp chiếm tỉ lệ 57,3% (chết 1.282 người, chiếm tỉ lệ 26,4% tổng số chết do bệnh không lây nhiễm; đái tháo đường chiếm tỉ lệ 19,6%; nhóm bệnh hô hấp chiếm tỉ lệ 8,9%; ung thư chiếm 4,7%; tâm thần chiếm 9,5%).

TS.BS. Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: “Để dẫn đến thực trạng nói trên là do trong thời gian dài, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ gánh nặng bệnh tật và kinh tế do bệnh không lây gây ra; tỉ lệ người dân có kiến thức đúng về bệnh, tự theo dõi phát hiện sớm bệnh, chăm sóc, theo dõi và tuân thủ điều trị còn thấp; công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm chưa được thực hiện đồng bộ; chính sách kiểm soát yếu tố nguy cơ chưa đầy đủ; kinh phí phòng, chống bệnh phần lớn dành cho điều trị, công tác truyền thông chưa được ưu tiên; hoạt động phát hiện sớm, quản lý, tư vấn và dự phòng cho người nguy cơ cao còn chưa được triển khai một cách hệ thống, rộng khắp”.

Tuy nhiên, hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động truyền thông chưa được đẩy mạnh do thiếu kinh phí. Năng lực chuyên môn và trang thiết bị của y tế cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ cho việc quản lý, điều trị, sàng lọc, dự phòng bệnh không lây nhiễm. Những khó khăn này đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng tích cực vào cuộc, có kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm, đặc biệt trong hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức phòng bệnh.

 

Tin liên quan