Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ ba, 19/03/2024 18:01


       Ngày 24/3/2020, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao với hơn 120 điểm cầu trên cả nước. Tham dự hội nghị tại Bệnh viện Phổi Trung ương có PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chống lao Quốc gia...

       Chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao của Việt Nam năm nay: “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030” mong muốn nêu rõ từ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 mọi người hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 năm nay là cơ hội cho tất cả mọi người chung tay giúp sức, nâng cao nhận thức về bệnh Lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng để chiến thắng bệnh lao.

PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

       Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận những thành tựu mà Chương trình phòng chống Lao quốc gia đã đạt được trong năm 2019. Làm tốt việc duy trì phát hiện và điều trị có chất lượng, chương trình đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới với phương pháp tiếp cận hiệu quả như việc phát hiện chủ động dựa trên sàng lọc bằng X-quang sau đó khẳng định bằng xét nghiệm X-pert. Tiếp nối thành công đó, đồng chí Thứ trưởng lưu ý một số vấn đề trọng tâm năm 2020: Nhanh chóng đề xuất chiến lược phòng chống Lao phù hợp với tình hình hiện tại để tiến tới chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030; Xây dựng trình dự thảo Chỉ thị tăng cường phòng chống bệnh lao tiến tới chấm dứt bệnh lao năm 2030 và Chương trình hành động quốc gia phòng chống bệnh lao 2020-2030 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cần đề xuất các quy định liên quan đến việc chấm dứt bệnh lao để đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Đồng thời công tác truyền thông về phòng chống bệnh lao cần phải có những bước đột phá hơn nữa, vận động các cấp chính quyền và cộng đồng tham gia. Chương trình cũng cần chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi nguồn kinh phí từ nhà nước sang sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế cho thuốc chống lao. Bên cạnh ngân sách nhà nước, Chương trình cần tiếp tục tranh thủ vận động sự ủng hộ từ các đối tác, nhà tài trợ quốc tế cả về kỹ thuật và tài chính... cho công tác phòng, chống lao tại Việt Nam.

       Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và còn đáng sợ hơn khi lây lan dễ dàng ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được chữa trị đúng cách. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, ước tính số liệu năm 2018, Việt Nam có 174.000 người mắc lao mới. Chương trình Chống lao Quốc gia hiện đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, khoảng 20.000 người được phát hiện đã điều trị tại khu vực y tế tư nhân nhưng không báo cáo với chương trình, còn lại khoảng 50.000 bệnh nhân chưa được phát hiện. Số người chết do Lao năm 2018 ở Việt Nam ước tính là 11.000 người và có thêm 2.000 người chết vì Lao/HIV.

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chống lao Quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

       PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chống lao Quốc gia cho biết: Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng mắt mũi. Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung thì những người tử vong do lao chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Để mọi người bệnh có thể được phát hiện và điều trị kịp thời, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là của cả cộng đồng, không kỳ thị mặc cảm mà chủ động tham gia phát hiện bệnh khi có triệu chứng. Trong cuộc chiến này, một lực lượng vô cùng quan trọng là người phụ nữ trong mỗi gia đình. Chương trình Chống lao Quốc gia đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao. Hội Phổi Việt Nam vừa thành lập Chi hội Phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam trong toàn quốc. Đồng thời, Chương trình cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về công tác phòng, chống lao./.

       Theo Bộ Y tế

Tin liên quan