Thứ sáu, 29/03/2024 01:37


I. PHÒNG  ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC (ĐTĐH)

Phòng Đào tạo Đại học là đơn vị chức năng có nhiệm vụ tham mưu giúp việc cho Hiệu trưởng trong công tác quản lý đào tạo Đại học. Phòng chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về công tác tổ chức, triển khai và quản lý đào tạo hệ Đại học, Cao đẳng bao gồm công tác tuyển sinh, mở mã ngành đào tạo, phát triển chương trình đào tạo, xây dựng giáo trình, kế hoạch đào tạo, quản lý kết quả học tập và quản lý chất lượng dạy và học.

1. Về tổ chức :

·        Phòng có Trưởng phòng và 1-2 Phó trưởng phòng, số lượng Phó trưởng phòng do Hiệu trưởng quy định căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và  phù hợp giai đoạn phát triển của đơn vị.

·        Trưởng Phòng, Phó Trưởng phòng là người có uy tín, có bằng Thạc sĩ trở lên. Nhiệm kỳ của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng  được quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

·        Trưởng Phòng ĐTĐH là đầu mối để Hiệu trưởng nắm chắc tình hình về công tác đào tạo đại học (công tác tuyển sinh, chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy, học tập...) của toàn Trường. Trưởng Phòng ĐTĐH là Uỷ viên thường trực Hội đồng Tuyển sinh đại học, Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo, Hội đồng nghiệm thu giáo trình, Hội đồng xét lưu ban lên lớp, Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp và là ủy viên của một số các Hội đồng khác do Hiệu trưởng chỉ định. Trong trường hợp Trưởng phòng đi vắng phải uỷ quyền cho 01 Phó trưởng phòng thay mặt để giải quyết công việc của đơn vị.

·        Trưởng Phòng (hoặc Phó Trưởng phòng được uỷ quyền) được thừa lệnh Hiệu trưởng ký và đóng dấu của Trường những văn bản, giấy tờ trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao, được ký sao công chứng văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập của sinh viên do Trường cấp.

·        Phó Trưởng phòng là người giúp Trưởng phòng điều hành công tác chung của Phòng và trực tiếp phụ trách những mảng công tác do Trưởng phòng phân công.

·        Viên chức, nhân viên của Phòng thuộc biên chế của Trường, chức trách và nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân do Trưởng phòng phân công (có bảng mô tả công việc của từng vị trí), số lượng viên chức, nhân viên của Phòng (kể cả lao động hợp đồng) được tuyển dụng, hợp đồng tuỳ theo nhu cầu thực tế và do Hiệu trưởng quyết định.Viên chức, nhân viên trong Phòng có thể được bố trí chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác khác của Phòng hoặc của Trường.

2. Nhiệm vụ:

·        Nghiên cứu xây dựng mô hình và phương thức đào tạo cao đẳng, đại học trong Trường.

·        Nghiên cứu xây dựng tổng hợp và hoàn thiện để trình Hiệu trưởng phê duyệt, ban hành mục tiêu, nội dung, chương trình và kế hoạch đào tạo các loại hình đào tạo từ đại học trở xuống.

·        Phối hợp với các Khoa, Phòng, Bộ môn trực thuộc và các đơn vị liên quan khác tổ chức xây dựng hệ thống các chương trình, đề cương, giáo trình, tài liệu học tập phục vụ cho đào tạo đại học. Lập kế hoạch in, xuất bản hàng năm thông qua Hội đồng Khoa học và Giáo dục của Trường khi có yêu cầu.

·        Giúp Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch đào tạo dài hạn và kế hoạch đào tạo hàng năm để trình Bộ phê duyệt.

·        Chuẩn bị cho Hiệu trưởng quyết định mở các ngành đào tạo mới.

·        Quản lý thống nhất toàn bộ kế hoạch đào tạo, nội dung, chương trình, kế hoạch học tập, nội dung các môn học,… của tất cả các chuyên ngành đào tạo thuộc các hệ đại học, cao đẳng (cả chính quy và vừa học vừa làm).

·        Xây dựng kế hoạch tuyển sinh đại học hàng năm

·        Phối hợp với các Khoa, Bộ môn, Phòng ban chức năng xây dựng Kế hoạch giảng dạy-học tập năm học, kỳ học. Tổ chức giám sát việc thực hiện thời khoá biểu và lịch trình giảng dạy của giảng viên.

·        Phối hợp chặt chẽ cùng Phòng Thanh tra, Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục giám sát việc thực hiện các nội quy, quy chế về giảng dạy, học tập, kiểm tra, thi; quản lý kết quả học tập của sinh viên, xử lý về mặt học tập theo quy chế.

·        Quản lý kết quả học tập của sinh viên; tổ chức xét học tiếp, ngừng học, cho thôi học và bảo lưu kết quả học tập đối với sinh viên; Tổ chức công tác xét tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ đào tạo và quản lí hồ sơ văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp của sinh viên; Lập danh sách và xét tiêu chuẩn, tư cách sinh viên được làm luận văn tốt nghiệp.

·        Đề xuất với Hiệu trưởng và các Khoa, Phòng, Ban chức năng củng cố và xây dựng các cơ sở vật chất cho đào tạo.

·        Phối hợp với các Khoa, Phòng, Ban chức năng tổ chức xét duyệt và kiến nghị với Hiệu trưởng khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích trong công tác đào tạo.

·        Tham gia việc duyệt thanh toán tiền dạy vượt giờ cho CBGD. Tổ chức việc biên soạn tài liệu giảng dạy, giáo trình, sách giáo khoa và thanh toán tiền nhuận bút cho các tác giả biên soạn.

·        Phối hợp với Phòng Tài chính – Kế toán  xây dựng ngân sách và phân bổ kinh phí hàng năm dành cho đào tạo.

·        Phối hợp với  HTQT trong việc tổ chức hợp tác đào tạo đại học với nước ngoài, tổ chức xin và phân phối học bổng đi học, thực tập ở nước ngoài cho sinh viên.

·        Tổ chức các hoạt động hỗ trợ hay phối hợp đào tạo với các trường đại học trong nước.

·        Thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, các sổ cấp phát bằng, chứng chỉ của sinh viên.

Tin liên quan