Thứ sáu, 19/04/2024 22:48

Hưởng ứng Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam 2022, thư viện trường Đại học Điều dưỡng Nam Định phát động cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc năm 2022 với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” dành cho học viên, sinh viên trong Trường nhằm khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách.

       Thông tin cụ thể về cuộc thi như sau:

       - Mỗi thí sinh tham gia trả lời đầy đủ 2 câu hỏi đặt ra trong đề thi. Câu trả lời có nội dung lành mạnh, trong sáng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và văn hoá Việt Nam; đảm bảo tính chính xác, an toàn thông tin và các quy định pháp luật khác có liên quan.

       Câu 1: Chia sẻ cảm nhận về một cuốn sách anh (chị) được đọc đã truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức, hướng anh (chị) tới lối sống tích cực, trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh,hạnh phúc.

       Câu 2: Anh (chị) hãy viết một sáng kiến kinh nghiệm nhằm phát triển văn hoá đọc cho cộng đồng? (Nêu rõ được mục đích, tính sáng tạo mới mẻ, các kết quả, tác động (đã đạt được hoặc dự kiến đạt được) và khả năng ứng dụng, triển vọng nhân rộng sáng kiến trong cộng đồng).

       - Các cuốn sách được chia sẻ trong bài dự thi phải được phát hành hợp pháp tại Việt Nam , có giới thiệu cụ thể, đầy đủ nguồn xuất bản của cuốn sách.

       - Bài dự thi là sản phẩm sáng tạo của cá nhân thí sinh chưa dự thi ở cuộc thi nào hoặc đăng tải trên các ấn phẩm, mạng Internet…

       - Trường hợp sử dụng các nội dung, đoạn trích, câu nói, tranh, hình ảnh…của người khác trong bài dự thi phải có trích dẫn nguồn đầy đủ;

       - Thư viện không trả lại bài viết cho thí sinh. Thư viện có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản bài dự thi và dử dụng bài dự thi để quảng bá cuộc thi và phục vụ các hoạt động khuyến học;

       - Thí sinh sử dụng email cá nhân gửi tác phẩm dự thi đến email của thư viện từ ngày 11/4/2022 – 30/5/2022

       Thư viện trường là đầu mối tổ chức vòng thi sơ khảo. Thư viện nhận bài thi, giao Ban chấm bài thi và lựa chọn tối đa 10 bài thi xuất sắc gửi dự thi vòng chung khảo toàn quốc do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức trước ngày 15/7/2022.

       Việc hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc hàng năm của Thư viện nhà trường nhằm mục đích tôn vinh giá trị của sách và văn hoá đọc.

       Sách có vai trò, vị trí, tầm quan trọng  to lớn trong đời sống, trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên.

       Văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng được với sự phát triển của xã hội hiện đại, xã hội dựa trên nền tảng kinh tế tri thức. Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường sẽ là yếu tố thúc đẩy quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên, giúp cho phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ đạt hiệu quả, phương pháp dạy và học được đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm.

       Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người rất ham đọc sách, báo và Người luôn coi trọng sách, báo. Người cho rằng nguyên lý và phương châm học là: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau, học ở dân”. Việc đọc đã trở thành nhu cầu, nếp quen trong sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu được. Người cũng đã nói: đọc sách không chỉ đơn thuần là giải trí hay giải quyết các công việc sự vụ hoặc nâng cao tầm hiểu biết thông thường mà việc đọc còn giúp Người phục vụ cách mạng. Không chỉ là một người ham đọc mà chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, tạo mọi điều kiện cho đồng bào tiếp cận và hưởng thụ món ăn tinh thần qua sách, báo. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người nhấn mạnh và nhắc nhở rõ với các đồng chí lãnh đạo là khi tổ chức hội có tiền thừa thãi thì nên làm những việc này: “Lập nơi xem sách, xem báo”.

       Để xây dựng văn hóa đọc thành công thì mỗi thành viên trong nhà trường nên là một hạt nhân vững chắc cùng chung tay hoạt động. Đây là điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học, giúp cho giảng viên, sinh viên đến gần hơn với sách, báo, tài liệu. Đặc biệt, việc hình thành thói quen đọc sẽ tạo nền tảng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người. Đồng thời, góp phần xây dựng một xã hội học tập, đẩy lùi được nhiều tệ nạn giúp cho đất nước ngày một giàu, mạnh và văn minh.

       Ngày sách và Văn hoá đọc là ngày hội của cộng đồng, một sự kiện văn hóa được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, không bó hẹp phạm vi của một bộ, ngành, một cơ quan tổ chức hay một địa phương, ngày càng khẳng định vai trò trong đời sống tinh thần của đất nước.

Tin liên quan