Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ sáu, 29/03/2024 16:03


       Trao đổi với báo chí bên hành lang Hội nghị triển khai Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34); Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Luật và Nghị định đã mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học và gắn với trách nhiệm giải trình trước xã hội.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí bên hành lang Hội nghị. Ảnh: Minh Phong 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí bên hành lang Hội nghị

       Công khai cơ sở dữ liệu

       Bộ trưởng dẫn giải, trách nhiệm giải trình trước hết là phải thực hiện các Chuẩn. Bộ đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH), trong đó ghi rất rõ chuẩn giáo viên, các quy định về chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo (chuẩn chương trình). Các chuẩn này phải được công khai, minh bạch qua các cơ sở dữ liệu.

       “Đây là một trong những giải pháp quan trọng để các trường đại học, các đại học phải tuân thủ. Các cơ sở giáo dục đại học không được tự ban hành chuẩn chất lượng của mình, mà phải dựa trên chuẩn đã được Bộ GD&ĐT quy định theo Luật” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

       Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT đang tăng cường kiểm định và kiểm tra giám sát các cơ sở GD-ĐT thực hiện chuẩn chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng, để công khai cho xã hội. Theo đó, phụ huynh và học sinh sẽ được biết trường nào chất lượng thật, năng lực đến đâu và trường nào chất lượng kém, không đảm bảo.

       Trên cơ sở đó, phụ huynh, học sinh sẽ lựa chọn chính xác. Những trường tốt sẽ thu hút sự quan tâm của mọi người. Còn trường chất lượng kém, không đảm bảo hoặc không tuân thủ các quy định, chắc chắn số người học sẽ ít dần đi và khả năng phải đóng cửa.

       Bộ trưởng cho biết, với các trường vi phạm quy định, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Công an và các bộ liên quan xử lý nghiêm khắc. Từng bước khắc phục tình trạng một số trường điều kiện đảm bảo chất lượng kém, nhưng lại thực hiện đào tạo. VD: Liên quan đến đào tạo và cấp văn bằng 2; vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Công an xử lý rất nghiêm vấn đề này.

        "Chúng tôi đang hướng dẫn các trường đại học xây dựng bộ cơ sở dữ liệu và chuẩn kết nối, đồng thời tăng cường công khai, minh bạch. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt, với các trường năng lực tự chủ còn thấp nhưng lạm dụng quyền tự chủ, chúng tôi sẽ siết chặt chất lượng." - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

       Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học phải xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng, công khai để Bộ và các cơ quan cùng giám sát. Chẳng hạn, tới đây, sinh viên theo học các hình thức khác nhau.

       Các trường phải công khai cơ sở dữ liệu. Văn bằng chứng chỉ cũng phải được công khai và người sử dụng lao động hay những ai quan tâm đều có thể vào dữ liệu để biết được sinh viên đó có theo học hay không và quá trình học tập như thế nào. Với cách làm này sẽ khắc phục và ngăn chặn cơ bản việc sử dụng bằng giả.

       Xử lý nghiêm những trường sai phạm

       Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 138 về xử phạt hành chính các trường và đơn vị vi phạm quy định trong quản lý chất lượng đào tạo.

       Bên cạnh đó, Bộ đang thực hiện rà soát, xây dựng các văn bản liên quan đến quy chế đào tạo theo tinh thần của Luật 34 và Nghị định 99. Cụ thể: Quy chế tuyển sinh theo tinh thần tự chủ gắn trách nhiệm giải trình; quy chế quản lý đại học; Quy chế đào tạo đại học và quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

       Các quy chế đào tạo này sẽ được rà soát và tích hợp hợp lý, mạnh dạn bỏ những quy định có tính chất hành chính, để tạo nên hệ thống hành lang pháp lý mạch lạc từ Luật cho đến Nghị định, thông tư.

       “Tôi tin rằng, giáo dục đại học sẽ có một hành lang pháp lý mạch lạc, thông suốt. Suy cho cùng, chất lượng là tiêu chí, là đích để các trường đai học cần hướng tới. Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là cần tạo “luật chơi”, để giám sát, công khai, xử phạt mạnh những đơn vị thực hiện sai luật.

       Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện tốt, để có sự cạnh tranh bình đẳng. Trường đại học chất lượng kém bắt buộc phải đổi mới nếu không sẽ bị thị trường đào thải” –Bộ trưởng nói.

       Nhấn mạnh về thực quyền của Hội đồng trường

       Cũng theo Bộ trưởng, Luật 34 và Nghị định 99 nhấn mạnh về thực quyền của Hội đồng trường. Khi thực hiện tự chủ, Hội đồng trường phải là cơ quan đại diện của cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của trường, tránh tình trạng hiệu trưởng hoặc một số đơn vị trong nhà trường lạm quyền. Tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình. Luật 34 và NĐ 99 nhấn mạnh thiết chế này.

       Theo Bộ trưởng, muốn thực quyền, các bên liên quan phải thống nhất và nâng cao nhận thức: Hội đồng trường phải có thực quyền và đủ mạnh. Do vậy không chỉ Bộ GD&ĐT thực hiện, mà các cơ quan chủ quản của các trường cũng phải thay đổi nhận thức.

       Vì thế, điều kiện đầu tiên là nâng cao nhận thức, thống nhất hành động của các bên liên quan; đặc biệt các nhà trường, hiệu trưởng phải nhìn nhận theo hướng khác. Chủ tịch hội đồng trường phải có vai trò, quyết định những quyết sách lớn. Có thể nói, đây là cuộc cách mạng trong nhận thức và quyết tâm thực hiện thiết chế này.

       Liên quan đến việc lựa chọn thành viên, cơ chế của hội đồng trường, Bộ trưởng trao đổi: Luật và Nghị định quy định rất rõ vấn đề này; tuy nhiên ngoài thành viên đương nhiên, việc chọn thành phần mở rộng rất quan trọng. Cần chọn được những người am hiểu, tâm huyết tham gia hội đồng trường. Họ phải là người có bản lĩnh, có trách nhiệm; từ đó mới bầu ra Chủ tịch hội đồng trường. Chủ tịch hội đồng trường phải là người chuyên trách và phải là người đủ năng lực và trách nhiệm.

       Theo tinh thần của Nghị quyết 19 Trung ương, Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy trường kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng trường. Trong trường đại học công lập, người cao nhất là bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch hội đồng trường. Thiết chế này cho thấy, đã có sự chỉ đạo rất lớn của Đảng. Đây là điểm nhấn trong quy định về hội đồng trường.

       Để hội đồng trường có thực quyền, phải xây dựng quy chế tổ chức hoạt động theo đúng quy định của luật. Quy chế xây dựng phải có chất lượng, phản ánh đúng thực quyền của hội đồng trường. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị cho hội đồng trường. Các thành viên hội đồng trường phải được bồi dưỡng, am hiểu về quản trị đại học, có năng lực tư vấn. Có như vậy hội đồng trường mới có những quyết sách đúng và trúng.

       "Tới đây, quyền quyết định những vấn đề lớn sẽ là chủ tịch hội đồng trường, không phải hiệu trưởng và phải theo cơ chế tập thể, dân chủ, công khai, minh bạch và có giám sát. Tự chủ không chỉ đối với các nhà trường mà phải tự chủ sâu đến từng đơn vị, đến từng cán bộ, viên chức, các nhà khoa học... nhưng đồng thời phải gắn với trách nhiệm để từng thành viên thấm nhuần tự chủ. Có như vậy tự chủ mới thành công" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

       Link https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-truong-phung-xuan-nha-mo-rong-quyen-tu-chu-gan-voi-trach-nhiem-giai-trinh-4057260-v.html

 

 

 

Tin liên quan