Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ năm, 28/03/2024 16:43


Ngày 13 tháng 6 năm 2018, buổi làm việc giữa Bộ Y tế, Trường Điều dưỡng Louise Herrington - Đại học Baylor Hoa Kỳ và Trường đại học Điều dưỡng Nam Định về việc hợp tác trong đào tạo Điều dưỡng và đào tạo Tiến sỹ Điều dưỡng tại Việt Nam được tổ chức tại Bộ Y tế dưới sự chủ trì của GS.TS. Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế.

GS.TS. Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Y tế có TS. Nguyễn Minh Lợi - Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo; BSCKII. Hoàng Văn Thành - Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh; PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cà các đồng chí đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Hợp tác quốc tế. Về phía Trường điều dưỡng Louise Herrington - Đại học Baylor, Hoa Kỳ có GS.TS. Shelley Conroy - Hiệu trưởng; GS.TS. Linda Plank - Phó hiệu trưởng, phụ trách đào tạo; và GS.TS. Dora Bradley - Phó hiệu trưởng, phụ trách chiến lược và đổi mới. Về phía tổ chức GVI có ông Vũ Mạnh Tân – Giám đốc Tổ chức GVI Việt Nam. Về phía Trường đại học Điều dưỡng Nam Định có PGS.TS. Lê Thanh Tùng – Hiệu trưởng; TS. Ngô Huy Hoàng – Phó Hiệu trưởng và các đồng chí lãnh đạo và đại diện Phòng đào tạo sau đại học, Phòng  Tổ chức cán bộ, Phòng Hợp tác quốc tế, Khoa Điều dưỡng Hộ sinh.  

Đoàn Trường điều dưỡng Louise Herrington - Đại học Baylor, Hoa Kỳ tại buổi làm việc

Mở đầu buổi làm việc, GS.TS. Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế hoan nghênh sự có mặt của Ban giám hiệu Trường điều dưỡng Louise Herrington - Đại học Baylor, Hoa Kỳ và đặc biệt cảm ơn Trường điều dưỡng Louise Herrington nói riêng cũng như Đại học Baylor - Hoa Kỳ đã hợp tác và giúp đỡ hữu ích cho Trường đại học Điều dưỡng Nam Định trong đào tạo điều dưỡng đặc biệt là đào tạo điều dưỡng trình độ sau đại học của Việt Nam trong những năm vừa qua.

Quang cảnh buổi làm việc

Thay mặt Bộ Y tế Việt Nam, Thứ trưởng đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong đào tạo nhân lực y tế cũng như đào tạo điều dưỡng. Đồng thời, Thứ trưởng cũng cho biết những định hướng quan trọng của Bộ Y tế Việt Nam về đào tạo nhân lực lực y tế trong những năm tới là hướng tới hội nhập khu vực và thế giới, nhấn mạnh quá trình đào phải chú trọng hình thành năng lực thực hành nghề nghiệp, đạt những chuẩn mực trong hành nghề, đặc biệt đối với đào tạo đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp làm công tác điều trị và chăm sóc người bệnh.

Về phía Trường Điều dưỡng Louise Herrington – Đại học Baylor Hoa Kỳ, GS.TS. Shelley Conroy – Hiệu trưởng đã giới thiệu tóm tắt về Trường Louise Herrington  Đại học Baylor Hoa Kỳ là một trong những nhà trường được xếp hạng cao tại Hoa Kỳ và thế giới về đào tạo nói chung và đào tạo điều dưỡng nói riêng với các chương trình đào tạo Cử nhân điều dưỡng, Thạc sỹ điều dưỡng và đặc biệt nhấn mạnh Chương trình đào tạo Tiến sỹ thực hành điều dưỡng (Doctor of Nursing Practice – DNP) đang cho thấy những thế mạnh tại Hoa Kỳ trong việc phát huy năng lực thực hành nghề nghiệp ở trình độ cao nhất của những người tốt nghiệp chương trình DNP này, họ đang là những chuyên gia hàng đầu trong việc đưa kiến thức vào thực tiễn, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào cải thiện thực hành chăm sóc, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao hơn về chất lượng các dịch vụ chăm sóc. Từ năm 2014, Đại học Baylor đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác với Trường đại học Điều dưỡng Nam Định thuộc Bộ Y tế Việt Nam với những hoạt động thiết thực như: Trao đổi học thuật về phát triển chương trình, xây dựng đề cương học phần, hỗ trợ áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến như dạy học dựa trên mô phỏng và đánh giá người học dựa trên năng lực; Hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Và đặc biệt là tham gia xây dựng và đánh giá Chương trình đào tạo Thạc sỹ điều dưỡng hiện tại của Trường đại học Điều dưỡng Nam Định, cung cấp giảng viên để trực tiếp giảng dạy một số học phần chuyên ngành điều dưỡng cho 4 khóa của chương trình Thạc sỹ điều dưỡng này.

GS.TS. Shelley Conroy cũng đánh giá cao những nỗ lực của Trường đại học Điều dưỡng Nam Định, được sự ủng hộ mạnh mẽ và quan trọng từ Bộ Y tế Việt Nam đã thể hiện vai trò là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu về điều dưỡng ở Việt Nam, luôn đi đầu, tìm kiếm các cơ hội, sự ủng hộ để phát triển đào tạo. Với những gì đã đạt được trong quá trình hợp tác với Trường đại học Điều dưỡng Nam Định, với những kinh nghiệm có được từ việc tham gia đào tạo cho 4 khóa thạc sỹ điều dưỡng tới nay, và với kinh nghiệm của một người tham gia xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho Hội điều dưỡng quốc tế, GS.TS. Shelley Conroy cũng đề xuất, bên cạnh việc đào tạo điều dưỡng có trình độ tiến sỹ trở thành những nhà nghiên cứu, đào tạo điều dưỡng ở Việt Nam và đặc biệt Trường đại học Điều dưỡng Nam Định hoàn toàn có thể quan tâm đến loại hình đào tạo Tiến sỹ thực hành điều dưỡng (Doctor of Nursing Practice – DNP) như ở Hoa Kỳ hiện nay. GS.TS. Shelley Conroy cũng bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ Trường đại học Điều dưỡng Nam Định và Bộ Y tế Việt Nam với những nội dung phù hợp trong đào tạo điều dưỡng nói chung và đào tạo tiến sỹ trong tương lai.

Thay mặt cho Trường đại học Điều dưỡng Nam ĐịnhPGS.TS. Lê Thanh Tùng - Hiệu trưởng Nhà trường, đã báo cáo Thứ trưởng và các đồng chí lãnh đạo, đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế về quá trình đổi mới đào tạo, những thành tựu đã đạt được trong đào tạo và những kết quả có được từ việc hợp tác với Trường đại học Điều dưỡng Baylor Louise Herrington, Hoa Kỳ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trường đại học Điều dưỡng Nam Định luôn xác định rõ trách nhiệm, sứ mệnh và nhiệm vụ được giao là đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng và trình độ cao, trọng tâm là điều dưỡng. Nhà trường luôn bám sát chỉ đạo, định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt của ngành y tế và sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng trong việc phát triển chương trình, cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập, chú trọng đến năng lực thực hành nghề nghiệp của người học khi ra trường. Nhà trường đã rất thành công trong đào tạo trình độ cử nhân điều dưỡng, chuyên khoa I điều dưỡng và thạc sỹ điều dưỡng. Sinh viên và học viên tốt nghiệp từ Nhà trường luôn được các cơ sở sử dụng nhân lực y tế đánh giá cao về năng lực nghề nghiệp. Hiện nay, hai chương trình Chuyên khoa I điều dưỡng và Thạc sỹ điều dưỡng của nhà trường đã được cập nhật, điều chỉnh theo hướng hội nhập, với các chuẩn đầu ra cho người học phù hợp với yêu cầu cao hơn về thực hành nghề nghiệp cùng các điều kiện đảm bảo chất lượng tiệm cận với khu vực và quốc tế. Đặc biệt, chương trình đào tạo Thạc sỹ điều dưỡng hiện đang triển khai tại Trường đại học Điều dưỡng Nam Định bốn khóa, là chương trình đã được các chuyên gia của Trường Đại học Điều dưỡng Louis Herington – Đại học Baylor Hoa Kỳ góp ý xây dựng cũng như trực tiếp tham gia giảng dạy của các giảng viên là giáo sư, tiến sỹ điều dưỡng cho một số học phần mang tính chuyên ngành, đã đánh giá đây là một chương trình có tính cập nhật quốc tế và tương đương với một chương trình đào tạo thạc sỹ điều dưỡng ở Hoa Kỳ. Các thạc sỹ điều dưỡng đã tốt nghiệp từ hai khóa đầu tiên của chương trình này hiện đang phát huy rất tốt năng lực công tác ở những vị trí công tác quan trọng, được các cơ sở sử dụng nhân lực y tế đánh giá cao.

Nhận thức rõ trách nhiệm của nhà trường trong đào tạo và phát triển ngành điều dưỡng Việt Nam, với năng lực đào tạo hiện nay của Nhà trường, đặc biệt là sự ủng hộ tạo điều kiện từ Bộ Y tế, và sự hợp tác giúp đỡ từ phía Đại học Baylor - Hoa Kỳ, và trên cơ sở sự thành công của chương trình đào tạo thạc sỹ điều dưỡng, Trường đại học Điều dưỡng Nam Định hoàn toàn có thể tiếp cận, xây dựng và tổ chức đào tạo điều dưỡng trình độ tiến sỹ phù hợp với Việt Nam, bổ sung cho nguồn nhân lực điều dưỡng trình độ cao, đặc biệt là điều dưỡng thực hành ở trình độ cao, lực lượng còn quá ít ỏi và gần như chưa có ở Việt Nam hiện nay. Trường đại học Điều dưỡng Nam Định quyết tâm và tin tưởng với sự ủng hộ từ Bộ Y tế, của Giáo sư Thứ trưởng, và sự giúp đỡ của Trường đại học Điều dưỡng Louis Herington – Đại học Baylor Hoa Kỳ, Trường đại học Điều dưỡng Nam Định sẽ mở được mã ngành đào tạo Tiến sỹ Điều dưỡng vào năm 2019.

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng, các bên tiếp tục thảo luận và đề cập tới những quan tâm trong đào tạo nhân lực y tế cũng như đào tạo điều dưỡng như: sự khác biệt về vị trí và vai trò trong hệ thống chăm sóc y tế, các tiêu chuẩn năng lực đầu ra giữa đào tạo tiến sỹ điều dưỡng theo hướng nghiên cứu (PhD) là tạo ra những nhà nghiên cứu về điều dưỡng và đào tạo tiến sỹ thực hành điều dưỡng (DNP) là tạo ra những chuyên gia hàng đầu trong thực hành điều dưỡng, các quan tâm khác như: các điều kiện cần thiết cho đào tạo tiến sỹ thực hành điều dưỡng (DNP), đội ngũ giảng viên, người hướng dẫn, môi trường thực hành, đặc điểm văn hóa xã hội của mỗi nước v.v… cũng được đề cập và đồng thuận cao. Trong quá trình thảo luận, Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của người hướng dẫn thực hành tại các bệnh viện, sự cần thiết phải đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ này, phân định rõ chức năng nhiệm vụ trong thực hành nghề nghiệp tại các cơ sở y tế phù hợp với các trình độ đào tạo khác nhau và mong muốn sự giúp đỡ từ phía Đại học Baylor về vấn đề này. Đồng thời khẳng định việc hợp tác giữa Trường đại học Điều dưỡng Nam Định và Trường Đại học Điều dưỡng Louise Herrington – Đại học BaylorHoa Kỳ trong đào tạo điều dưỡng ở trình độ sau đại học là rất cần thiết và cần phát triển trong tương lai. Thứ trưởng cũng lưu ý việc xây dựng chương trình cần hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế song phải phù hợp và tuân thủ theo quy định của Việt Nam.

Kết luận buổi làm việc, GS.TS. Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu nêu rõ quan điểm Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ Trường đại học Điều dưỡng Nam Định trong việc xây dựng chương trình và triển khai đào tạo Tiến sỹ điều dưỡng định hướng thực hành trên cơ sở tham khảo Chương trình Tiến sỹ thực hành điều dưỡng (Doctor of Nursing Practice) của Trường đại học Điều dưỡng Louise Herrington – Đại học Baylor Hoa Kỳ. Bộ Y tế  ủng hộ việc tiếp tục hợp tác giữa Trường đại học Điều dưỡng Nam Định và Trường đại học Điều dưỡng Louise Herrington – Đại học Baylor Hoa Kỳ, mong muốn phía Đại học Baylor hỗ trợ giúp Trường đại học Điều dưỡng Nam Định trong việc xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn và tổ chức thực hiện đào tạo thí điểm thành công tại Việt Nam.

Tin liên quan