Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ sáu, 19/04/2024 16:15


       Ngày 24/4/2018 tại Hà Nội, Bộ Y tế (Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương) phối hợp với Tổ chức Y tế thể giới tổ chức Hội thảo tăng cường đầu tư giữ vững thành quả, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam nhân ngày Thế giới phòng chống Sốt rét, GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội thảo. 

24.4.2018 TT Long ảnh 01.jpg
GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc Hội thảo

       Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Kidong Park, trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; đại diện cơ quan Y tế các Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Bộ đội biên phòng; Tổ chức Y tế thể giới tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Binh Dương, các cơ quan truyền hình, báo chí Trung ương và Hà Nội dự và đưa tin.

       Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế: thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Nhà nước và các tổ chức quốc tế, với sự nỗ lực của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng chống và loại trừ sốt rét ở nước ta đã đạt được các kết quả đáng kể đó là tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm hàng năm. So với năm 2011, tỷ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân năm 2011 giảm 84,6%, số bệnh nhân sốt rét giảm 81,6%, số ký sinh trùng sốt rét giảm 72,6%, số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 57,1%. Không có dịch sốt rét xảy ra.

        Mỗi năm có hàng triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phòng chống muỗi sốt rét (phun tồn lưu và tấm màn bằng hóa chất diệt muỗi) và hàng chục nghìn bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí. Tuy nhiên, tình hình sốt rét tại một số tỉnh thuộc khu vực Miền Trung Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ diễn biến phức tạp, một số tỉnh có nhiều người mang ký sinh trùng sốt rét như: Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị. Bệnh sốt rét có nguy cơ quay trở lại, gia tăng số mắc, số tử vong và có thể gây thành dịch.

       Tuy nhiên, công tác phòng chống và loại trừ sốt rét hiện nay đang gặp một số khó khăn thách thức về mặt kỹ thuật và đầu tư kinh phí. Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế có nguy cơ cắt giảm sẽ gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét dẫn đến có thể làm gia tăng cao số mắc và tử vong do sốt rét, nguy cơ bùng phát dịch sốt rét ở nhiều địa phương và sốt rét kháng thuốc lan rộng, bệnh sốt rét sẽ có những diễn biến phức tạp và khó dự báo, đặc biệt tại các vùng sốt rét lưu hành.

       Để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 tiến tới loại trừ Sốt rét ở Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Chương trình phòng chống sốt rét cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

       1. Tiếp tục triển khai các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe để các cấp Chính quyền, đoàn thế địa phương và cộng đồng chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tại địa phương;

       2.Đảm bảo thực hiện thường xuyên công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, quản lý ca bệnh, quản lý đối tượng dân đi biển động, đặc biệt đối với người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, người trở về từ các nước có sốt rét lưu hành;

       3. Thực hiện điều trị bệnh nhân sốt rét đúng thuốc, đủ liều theo quy định của Bộ Y tể;

       4. Tăng cường phối hợp đa ngành trong công tác phòng chống sốt rét (Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Giao thông, Lâm nghiệp, Thuỷ điện…), đặc biệt ở các địa phương có sốt rét lưu hành và sốt rét lưu hành nặng.

       5. Các địa phương, Bộ/ngành cẩn nỗ lực vận động và chủ động đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

24.4.2018 TT Long ảnh 02.jpg
TS.Kidong Park, trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

       TS.Kidong Park, trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã có những thành công lớn trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét trong thập kỷ vừa qua. Loại trừ sốt rét vào năm 2030 là một mục tiêu mà Việt Nam có thể đạt được, chỉ cần có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và các đối tác để huy động các nguồn lực và xác định các biện pháp mới để loại trừ sốt rét.

       Các chuyên gia quốc tế về sốt rét đã ghi nhận rằng số ca sốt rét ở Việt Nam đã giảm mạnh nhờ những nỗ lực thành công của Chính phủ Việt Nam trong những thập kỷ qua. Để duy trì những thành tựu này và vượt qua những thách thức mới trong việc loại trừ sốt rét, như sự xuất hiện của sốt rét kháng thuốc ở Việt Nam, Chính phủ và các đối tác quốc tế cần khẳng định lại cam kết của mình để loại trừ sốt rét.

       Với hơn 40 tỉnh không có sốt rét, Việt Nam đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống sốt rét giai đoạn 2011-2020. Năm 2016, Việt Nam nằm trong số 44 quốc gia có ít hơn 10.000 ca sốt rét mỗi năm. Việt Nam đã thay đổi cách tiếp cận từ kiểm soát sốt rét sang loại trừ sốt rét, với mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030.

       TS.Kidong Park  nhấn mạnh sự cần thiết phải có các hành động khẩn cấp để đưa cuộc chiến toàn cầu chống sốt rét trở lại đúng hướng. Đó là lý do tại sao WHO kêu gọi đầu tư lớn hơn và mở rộng độ bao phủ của các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả để phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị sốt rét.

24.4.2018 TT Long ảnh 03.jpg
Quang cảnh Hội thảo

       Theo Bộ Y tế

 

Tin liên quan